Trái bóng thậm chí còn chưa hạ cánh xuống tầng trên của khán đài Matthew Harding, khi những tiếng la ó bắt đầu vang lên.
Raheem Sterling đứng yên và đưa tay lên che miệng, sau khi chạy đà theo phong cách Roberto Carlos nhưng lại thực hiện một quả đá phạt như trong môn bóng bầu dục. Tiền đạo bên phía Leicester, Patson Daka thậm chí còn đưa tay xoa đầu đối thủ để an ủi khi đi ngang qua.
Đó là một trong những khoảnh khắc hài hước xen lẫn sự bối rối, điều chỉ khiến sự tự tin của các cầu thủ chạm đáy. Fernando Torres từng trải qua câu chuyện tương tự ở Old Trafford vào tháng 9/2011, sau pha bỏ lỡ trước khung thành trống dù đã xuất sắc vượt qua thủ thành David de Gea.
Tuy nhiên, ngày hôm đó Torres chỉ hứng chịu những lời chế nhạo của CĐV đối thủ. Người hâm mộ Chelsea đồng cảm với hoàn cảnh khó khăn cũng như đánh giá cao nỗ lực của chân sút người Tây Ban Nha. Trong khi đó, dù cũng thuộc nhóm những bản hợp đồng đáng thất vọng, Sterling luôn bị đối xử khác biệt bởi một bộ phận người hâm mộ nhiệt thành của CLB.
Những người chỉ trích Sterling gay gắt nhất tại Stamford Bridge cho rằng anh là một cầu thủ ích kỷ, đặt thành công bản thân lên trên lợi ích của đội bóng. Việc Sterling yêu cầu Cole Palmer để anh thực hiện quả phạt đền trong trận gặp Leicester, hay như khi anh dứt điểm thay vì chuyền cho Palmer hoặc Nicolas Jackson trong trận thua 2-1 của Chelsea trước Wolves tại Molineux vào tháng 12 được nhiều người xem như là bằng chứng.
Mặc dù vậy, có một cách giải thích khác có lý hơn nếu nhìn rộng ra sự nghiệp của Sterling nói chung: Anh đang tự trói buộc bản thân khi cố gắng đáp ứng kỳ vọng của chính mình và những người khác.
Câu chuyện về Sterling luôn bị thổi phồng kể từ khi anh bắt đầu hành trình chơi bóng. Một tài năng sáng giá nhưng luôn phải gánh chịu những lời nguyền.
Cầu thủ gốc Jamaica từng ký hợp đồng với Liverpool ở tuổi 15, trở thành cầu thủ đá chính thường xuyên ở Premier League và ĐT Anh ở tuổi 17 và được mệnh danh là Michael Owen hay Wayne Rooney trong thế hệ của mình.
Tiêu chuẩn đó ngày càng trở nên chót vót hơn khi Sterling chuyển đến Manchester City năm 2015 với mức phí ban đầu lên tới 44 triệu bảng, khiến anh trở thành cầu thủ Anh đắt giá nhất từ trước đến nay, nhưng cũng đồng thời khiến anh bị coi là tên lính đánh thuê hám tiền.
Trên thực tế, Sterling khao khát thành công sau 2 mùa giải đầu tiên chơi thiếu ấn tượng ở Man City, đến mức anh đã thay đổi lối chơi của mình dưới thời Pep Guardiola, từ một cầu thủ ôm cánh và rê bóng trực diện thành một chuyên gia dứt điểm trong vòng cấm. Ngoài việc mở ra kỷ nguyên vàng tại Etihad, sự thay đổi đó cũng giúp tiền đạo sinh năm 1994 thoát khỏi tình trạng trở thành vật tế thần cho những thất bại ở các giải đấu lớn của ĐT Anh. Thay vào đó, Sterling trở thành một trong những cầu thủ đáng tin cậy nhất dưới thời Gareth Southgate.
Cựu hậu vệ trái Chelsea, Scott Minto cho rằng tiền đạo Raheem Sterling của The Blues không có khả năng sút bóng chuẩn xác.
Cập bến Chelsea vào mùa hè năm 2022, chủ sở hữu Todd Boehly đã mô tả Sterling là một “tài năng đẳng cấp thế giới”. Tiền đạo này đã nói một cách chân thành về tham vọng giành Quả bóng Vàng – những từ ngữ nghe khá lố bịch lúc đó, nhưng lại hoàn toàn phù hợp với ý chí đã giúp anh có được ngày hôm nay.
Sterling trong bóng đá giống như một ngôi sao nhí ở Hollywood: Lớn lên trong cơn bão chỉ trích thiếu công bằng và đôi khi bị giới truyền thông đưa tin một cách đáng hổ thẹn, dù đang cố gắng sống chung với sự nổi tiếng của mình. Thay vì đi chệch hướng, Sterling tỏ ra chuyên nghiệp gấp bội. Thậm chí trên hành trình đó, anh trở thành tấm gương trong việc vạch trần những lời lẽ mang tính phân biệt chủng tộc mà một số tờ báo Anh đã nói về Sterling cũng như các cầu thủ trẻ da đen khác.
Đó là một điểm cộng khá lớn để bổ sung vào một bản CV mà HLV trưởng Chelsea, Mauricio Pochettino đã mô tả là “không thể tin được”: 4 chức vô địch Premier League, 10 danh hiệu lớn cấp CLB và 20 bàn thắng sau 82 lần ra sân cho ĐT Anh. Dù chưa bước sang tuổi 30, chỉ có Rooney là tiền đạo duy nhất chơi nhiều hơn 27.896 phút của anh tại Premier League.
Vấn đề của Sterling và những người tin tưởng vào thành công của anh, đó là cầu thủ này chưa bao giờ đạt đến đẳng cấp Quả bóng Vàng. Sterling không sở hữu những thông số đẹp. Ngoài ra, cứ đến thời khắc quan trọng, những kỹ năng ưu việt anh sở hữu bỗng chốc bỏ rơi anh, khiến cầu thủ sinh năm 1994 trở thành cái gai trong mắt người xem.
Hệ thống của Guardiola đã nâng Sterling lên tầm cao nhất trong sự nghiệp, nhưng anh chưa bao giờ đóng vai trò không thể thiếu trong thành công của đội bóng như một số đồng đội nổi tiếng khác ở Man City. Điều này lý giải tại sao anh mất vị trí đá chính suốt 1 năm trước khi chuyển sang chơi cho Chelsea. Thậm chí, nhà ĐKVĐ Premier League vẫn cảm thấy thoải mái dù bán anh cho một đối thủ trong nước.
Trong khi đó, Chelsea có cái nhìn rất khác về anh.
Trong mắt Thomas Tuchel, Sterling là mũi tấn công linh hoạt mà ông cần để thay đổi một hàng công kém hiệu quả. Còn đối với các ông chủ, anh là một cái tên nổi tiếng, được ra mắt trong một buổi chụp hình hào nhoáng ở Beverly Hills và được trả lương ở cấp độ của một siêu sao Premier League. Chỉ có điều, việc xác định sai bản chất của Sterling có lẽ đã hủy hoại thời gian anh khoác áo Chelsea ngay từ thời điểm bắt đầu.
Việc Sterking nhận mức lương ngang với Mohamed Salah và Kevin De Bruyne cho thấy sự thất vọng tột cùng từ cả bên trong và bên ngoài CLB. Người ta kể rằng anh là người bị Boehly chỉ trích trong chuyến thăm phòng thay đồ tại sân Stamford Bridge, sau thất bại trước Brighton vào tháng Tư năm ngoái.
Đây không phải là lỗi của Sterling và không có dấu hiệu nào cho thấy anh sẽ bỏ cuộc. Ngược lại, Sterling đã dành phần lớn thời gian mùa hè năm ngoái làm việc với các nhân viên tại Chelsea để thay đổi chế độ dinh dưỡng, đồng thời lao vào tập luyện để đảm bảo mình có phong độ cao nhất cho mùa giải mới, mùa giải mà anh đã bắt đầu ấn tượng dưới thời Pochettino.
“Không gì khác, tôi muốn trở nên ám ảnh với bóng đá một lần nữa,” Sterling nói vào tháng 8/2023. “Màn trình diễn đỉnh cao, với những bàn thắng và kiến tạo. Rất nhiều điều đã xảy ra trong sự nghiệp của tôi. Tôi đang có một thử thách mới, nó thật khó khăn. Đầu óc bạn có thể mờ đi, nhưng tình yêu với bóng đá của tôi quá lớn và tôi còn quá trẻ để để thấy sự nghiệp của mình vụt tắt. Tôi cần duy trì những tiêu chuẩn mà tôi đã đặt ra cho mình và tiếp tục tiến lên. Tôi khao khát làm được điều đó.”
Mặc dù vậy, đầu ra của Sterling kể từ sau câu nói đó không đạt tiêu chuẩn của cả anh lẫn Chelsea. Bàn thắng vào lưới Man City tháng trước mới là bàn thứ hai của cầu thủ gốc Jamaica trong năm 2024, qua đó chấm dứt cơn khát bàn thắng kéo dài 3 tháng ở Premier League. Nhưng rồi anh cũng chẳng có thêm bàn nào trong 5 trận đấu sau đó trên tất cả các mặt trận.
Phong độ của Sterling làm dấy lên những ý kiến cho rằng anh đang bước vào giai đoạn xế chiều trong sự nghiệp. Phong cách chơi bóng ở Chelsea của anh giống như ở Liverpool hơn là Man City: Anh đứng thứ ba ở Premier League về số lần rê bóng trong 90 phút ở mùa giải 23/24, nhưng tỷ lệ thành công của anh lại thấp nhất trong top 10.
Mùa giải |
Số lần rê dắt trong 90 phút |
Tỉ lệ rê dắt thành công (%) |
17/18 |
4.2 |
53.8% |
18/19 |
4.9 |
53.9% |
19/20 |
3.6 |
52.3% |
20/21 |
4.3 |
54.1% |
21/22 |
4.8 |
47.3% |
22/23 |
4.4 |
41.9% |
23/24 |
6 |
33.3% |
Khả năng rê bóng nhiều nhưng hiệu quả thấp của Sterling mùa này thậm chí còn tệ cả 5 mùa giải cuối cùng anh làm việc với Guardiola tại Man City
Những khoảnh khắc tồi tệ đang xuất hiện nhiều hơn những khoảnh khắc tốt đẹp. Như những gì đã diễn ra trong sự nghiệp của Sterling, trong những khoảnh khắc tồi tệ của anh tại Chelsea, anh nhận ra rằng mình nhận được rất ít sự tin tưởng đến từ những người ủng hộ.
Quá khứ cho thấy Sterling sẽ không bỏ cuộc.
Bất chấp những khiếm khuyết của Sterling, thật khó để tìm ra một cầu thủ bóng đá kiên cường hơn về mặt tinh thần – một phẩm chất được thể hiện một lần nữa bằng pha chạy chỗ và quả tạt tầm thấp giúp Palmer ghi bàn trong trận gặp Leicester, sau khi bỏ lỡ 1 quả phạt đền và 1 pha đối mặt. Anh không trốn tránh, ngay cả khi điều đó nghĩa là phải chịu đựng những khoảnh khắc như quả đá phạt khó quên trong hiệp 2.
Thái độ đó là một trong những điều khiến Sterling được các đồng đội quý mến, những người đã đưa ra những bình luận ủng hộ dưới bài đăng xin lỗi trên Instagram của cầu thủ này sau trận đấu với Leicester.
Sterling chưa bao giờ là ứng cử viên cho chiếc băng đội trưởng của Chelsea, nhưng anh được nhiều tiền đạo trẻ của CLB coi như một người anh lớn, một tấm gương để noi theo. Mặc dù vậy, để nhận được thứ tình cảm tương tự từ bất cứ đội bóng nào anh đại diện dường như là một viễn cảnh khó có thể xảy ra.
Liverpool sẽ không bao giờ tha thứ cho sự ra đi của anh. Phần lớn sự ngưỡng mộ ở Man City được dành cho những huyền thoại như Vincent Kompany, David Silva, Yaya Toure, Sergio Aguero và De Bruyne. Những người ủng hộ ĐT Anh thường có vẻ thoải mái hơn khi chỉ trích, thay vì khích lệ anh. Cả 3 CLB và ĐT này đều phản ứng với sự vắng mặt của anh bằng cách tìm ra những người hùng mới.
Sau đó là Chelsea, nơi mà mỗi tháng trôi qua chỉ càng đem tới thêm sự bất hạnh.
Sterling đang trở thành gánh nặng của CLB. Khuôn mặt của anh không phù hợp với đội bóng trẻ này và hợp đồng của anh – kéo dài đến tháng 6/2027 – biến anh trở thành cái máy xay tiền, một di sản của kỳ chuyển nhượng đầu tiên có phần hỗn loạn trước khi Boehly & Clearlake Capital thực hiện chiến lược trẻ hóa đội hình cũng như giảm bớt quỹ lương.
Theo chiều hướng hiện tại, đó sẽ là một kết thúc buồn cho một sự nghiệp cực kỳ thành công và đáng ngưỡng mộ của Sterling. Tuy vậy, phản ứng trước việc Sterling bị thay ra trong trận gặp Leicester đã gợi ý về con đường khả thi duy nhất phía trước: Những tràng pháo tay át đi những tiếng la ó, được chính cầu thủ này đáp lại.
Bởi trong trường hợp tình yêu không còn nữa, sự tôn trọng sẽ là thứ duy nhất tồn tại.
Lược dịch bài viết: “Raheem Sterling at Chelsea: A marquee signing incapable of living up to an unrealistic billing” của Liam Twomey (The Athletic)